Dự án đường hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 được xem là giải pháp hiệu quả cho tình trạng giao thông vốn quá tải và liên tục ùn tắc của khu vực. Với tính chất phức tạp và quy mô lớn, dự án sẽ được triển khai thực hiện trong 18 tháng, với sự giám sát chặt chẽ của chủ đầu tư và các bộ, ban ngành liên quan, theo sự chỉ đạo sát sao của Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh.
Thông tin cơ bản về dự án hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3
Hầm chui Lê Văn Lương – Vành đai 3 được chính thức khởi công vào ngày 8/10 với mức tổng đầu tư lên đến gần 700 tỷ đồng, được xác định là hạng mục giúp giải quyết tình trạng ách tắc giao thông thường xuyên xảy ra trên địa bàn khu vực.
Cụ thể, kết cấu hầm chui được làm bằng bê tông cốt thép, xây dựng trực thông theo hướng đường Lê Văn Lương. Dự án có tổng chiều dài (tính gồm cả gờ chắn 2 đầu) chính xác là 475m, trong đó bao gồm:
– Hầm kín: 95m
– Hầm hở và gờ chắn dẫn vào hầm kín: 380m chia đều cho mỗi bên.
Ngoài ra, hầm sẽ được cắt ngang thành 2 thầm riêng biệt với chiều rộng mỗi hầm vào khoảng 7,75m, cho phép 2 làn xe cơ giới chạy song song. Phần hầm hở mỗi chiều rộng 7,75m; phân cách hai chiều bằng dải phân cách rộng 1m.
Để thực hiện được dự án này, chủ đầu tư và đơn vị thi công đã phải xén hè, mở rộng đường Lê Văn Lương và Tố Hữu với chiều dài lần lượt là khoảng 300m và 400m.
Dự án xây dựng công trình, bất động sản lần này sẽ có sự tham gia của 3 nhà thầu, bao gồm: Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4, Công ty cổ phần Fecon, và cuối cùng là Công ty cổ phần Thương mại, tư vấn và xây dựng Vĩnh Hưng.
Giải quyết nút thắt trong nạn ùn tắc giao thông
Được biết, hầm chui là một trong những dự án trọng điểm của thành phố cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông vốn xảy ra rất thường xuyên trên địa bàn. Bên cạnh đó, dự án cũng giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng của khu vực nói riêng và thành phố nói chung, làm tiền đề cho hàng loạt các dự án phát triển và đầu tư khác trong tương lai.
Theo yêu cầu của chủ ban đầu tư – Chủ tịch thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, ban quản lý dự án đầu tư cùng các sở, ban, ngành liên quan cần có sự phối hợp thực sự chặt chẽ và thường xuyên, nhanh chóng giải đáp những vướng mắc phát sinh, đặc biệt là yêu cầu an toàn lao động để đảm cho dự án được tiến hành thuận lợi. Các vấn đề bên lề như vệ sinh môi trường, an toàn giao thông và sự ổn định trong đời sống nhân dân khu vực xung quanh cũng là những vấn đề cần được quan tâm và xử lý kịp thời.
Theo nhận định của Giám đốc ban quản lý dự án, tính phức tạp của công trình ở mức độ khá cao, bởi song song với nhiệm vụ xây dựng hạ tầng kỹ thuật, các phần việc quan trọng khác như phụ trợ, tổ chức giao thông nút giao, đảm bảo di chuyển ổn định, bảo vệ công trình ngầm và nổi cũng cần phải được thực hiện cùng lúc.
Ngoài ra, trạm biến áp được cũng cần được xây dựng tại khu vực để cung cấp điện cho Trạm bơm thoát nước của hầm và một số nhiệm vụ kỹ thuật khác.
Với khoảng thời gian dự kiến thi công trong 18 tháng, dự án khi hoàn thành sẽ trở thành nút giao thông quan trọng, vừa giải quyết được ùn tắc vừa nâng cấp cảnh quan đô thị.
Đỗ Linh